Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) sẽ họp bàn với các nhà nhập khẩu, cơ quan quản lý liên quan để đưa ra phương án xử lý thép nhập từ nước ngoài nghi ngờ để lẩn tránh thuế tự vệ thương mại.
Theo VSA, thép cuộn mã 7213.91.90 có thành phần hóa học và cơ tính có thể đáp ứng để sử dụng
như thép cuộn nhập khẩu đang bị áp thuế tự vệ thương mại. Ảnh internet.
Ngày 18-10-2016, Cục Quản lý cạnh tranh đã nhận được công văn số 71/HHTVN của Hiệp hội Thép về tình hình nhập khẩu thép từ nước ngoài vào Việt Nam và nghi ngờ có hiện tượng lẩn tránh thuế tự vệ đối với một số mặt hàng phôi thép và thép dài, cụ thể đối với sản phẩm thép cuộn mã HS 7213.91.90.
Để có cơ sở đưa ra phương án xử lý đối với vấn đề này, ngày 19-12 (tức thứ 2 tuần tới), Cục Quản lý cạnh tranh tổ chức buổi làm việc với các nhà nhập khẩu trong nước và các cơ quan quản lý có liên quan gồm đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, Vụ Công nghiệp nặng, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) và các doanh nghiệp nhập khẩu liên quan.
Theo thông tin từ VSA, ngày 18-7, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2968/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có mặt hàng thép dài (thép thanh và thép cuộn) bao gồm các mã HS 7213.10.00, 7213.91.20, 7213.20.31, 7214.20.41, 7227.90.00, 7228.30.00 và 9811.00.00 với mức thuế tự vệ là 15,4% từ ngày 2-8-2016 đến 21-3-2017.
Việc áp dụng thuế tự vệ đã tác động tích cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước. Tính đến hết 9 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng sản xuất và bán hàng của các doanh nghiệp thành viên VSA lần lượt là 22,4% và 24% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình nhập khẩu, VSA thấy đang tồn tại hiện tượng lẩn tránh thuế tự về bằng cách khai chuyển mã số HS.
Cụ thể, lượng thép cuộn nhập khẩu theo các mã HS đang bị áp thuế tự vệ thương mại trong 9 tháng giảm rõ rệt, chỉ bằng 29% so với cùng kỳ và bằng 25% so với cả năm 2015.
Nhưng lượng thép cuộn nhập khẩu theo các mã HS không thuộc đối tượng áp thuế (mã HS 7213.91.90) tăng lên đột biến, nhất là từ tháng 4 khi có quyết định áp thuế tự vệ tạm thời.
So với năm 2015 và quý I-2016, lượng thép mã HS này đã tăng gấp nhiều lần, riêng tháng 9, con số nhập khẩu đã lên tới 120.640 tấn. Tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này trong 9 tháng đã tăng gấp gần 14 lần so với cùng kỳ năm trước. Với đà này, lượng nhập khẩu trong tháng 10 sẽ không dưới 100.000 tấn.
Theo phân tích của VSA, thép cuộn mã 7213.91.90 có thành phần hóa học và cơ tính có thể đáp ứng để sử dụng như thép cuộn nhập khẩu đang bị áp thuế tự vệ thương mại.
Hơn nữa, doanh nghiệp chuyển sang mã HS này để hưởng thuế suất 3% so với mức thuế suất 15,4% đối với mã HS 7227.90.00 và 30,4% với mã HS 7213.10.00 và 35,4% đối với mã HS 7213.91.20.
Như vậy, có thể thấy hành vi lẩn tránh thuế tự vệ thương mại từ các mã HS bị áp thuế sang các mã không bị áp thuế với sự chênh lệch thuế suất nhập khẩu là rất đáng kể.
Ngoài mã HS 7213.91.90 trên, một số mã HS khác như 7213.99.90, 9839.10.00, 9839.20.00 có khả năng được các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ kê khai sang. Các mã HS này được mô tả giống với mã HS 7213.91.90, đều là thép cán nóng dạng cuộn cuốn, tròn trơn, chỉ khác nhau ở đường kính (mã 7213.91.90 và 9839.10.00 có đường kính dưới 14mm còn mã 7213.99.90, 9839.20.00 có đường kính từ 14mm trở lên).